Đã gần nửa đêm, có nghĩa đã hai tiếng sau giờ tắt đèn và thực hành im lặng thánh thiện và có lẽ đa số đã ngủ say, chợt có tiếng sột soạt bao ni-lông vang lên từ một góc phòng.
Không biết tiếng sột soạt này lớn thật hay là do từ khi thực tập ngồi bình yên, thính giác của mình trở nên quá nhạy bén và mình có thể nghe được rất rõ những âm thanh dù rất nhỏ, rất xa, và càng nghe rõ hơn những âm thanh lớn? Chắc là một chị em nào đó vừa chợt nhớ ra cái gì đó và đang sờ soạng tìm kiếm… trong bóng đêm 😊!?
Im lặng được vài giây, tiếng sột soạt lại tiếp tục và dường như càng lúc càng lớn. Tuy mỗi thiền sinh có góc sinh hoạt riêng, nhưng mọi người nghỉ đêm trong cùng một sảnh thiền đường rộng thênh thang (nam ở khu riêng, nữ khu riêng). Âm thanh trong đêm yên ắng như có loa phóng thanh, nổi lên thật rõ.
Đến với khóa Thiền Minh Sát Tuệ (TMST) hay còn gọi là Trọn Vẹn Với Cuộc Sống (TVVCS) 12 ngày do Thầy Tâm Thành tổ chức và trực tiếp hướng dẫn, ngoài những thời thiền miên mật, tất cả các thiền sinh phải thực hành không va chạm ai, không nhìn ngó người xung quanh (no eye contact), chánh niệm trong từng bước đi, và nghiêm túc thực hành tuyệt đối im lặng, ngày lẫn đêm.
Mình gắng nằm yên lặng, bảo lỗ tai không hướng về góc phòng đó và lắng nghe nữa mà hãy ngủ lại. Có những tiếng thở dài, trở mình và “suỵt…” khi tiếng sột-soạt không ngừng.
Đêm thứ hai, vẫn lại những tiếng bao ni-lông sột soạt phát lên trong đêm tối. Cao độ, cường độ, lúc trầm, lúc bổng, lúc nhanh, lúc chậm.
Trong đầu mình nhảy ra những nốt nhạc, và bài ca… Bông Ni-lao, Bao Ni-Lông, ra đời!
Sau một hồi, chắc không còn kiên nhẫn và im lặng được nữa, có “tiếng hát” xen vào những nốt nhạc.😊 Một chị đã “phá lệ” và lên tiếng “Để mọi người nghỉ ngơi chị ơi! Đừng tạo ra tiếng ồn nữa!” Chắc nhiều người đang thầm cảm ơn người vừa lên tiếng.
Quả là thử thách cho tất cả chúng ta ở nhiều lãnh vực.
Mình nhớ lại bài Thầy giảng lúc sáng.
Mỗi lần được dự lớp của Thầy, mình như được ôn lại những bài học về đạo đức, vật lý, sinh vật, hóa học, môi trường, tâm lý, v.v… kể cả những kiến thức nâng cao ở trường đại học, nhưng được Thầy giảng rất dễ hiểu nhờ Thầy xen kẽ lý thuyết với ví dụ thực tiễn trong đời sống hằng ngày, cùng với biết bao kinh nghiệm và thực chứng mà Thầy đã chữa lành và hướng dẫn hơn trăm ngàn học viên khắp bốn Châu lục 15 năm qua. Vì vậy cách Thầy giải thích và chia sẻ luôn rất phổ thông, rõ ràng và dễ liên hệ.
Khi nhắc đến việc hạn chế dùng giấy vệ sinh và giảm thói quen phung phí nước, Thầy cũng đã phân tích rất kỹ bao ni-lông ảnh hưởng xấu đến môi trường ra sao.
Giấy hoặc nhựa, chọn lựa có thể là đơn giản nhưng lại có hậu quả quan trọng đến môi trường. Rất khó để biết loại nào có ảnh hưởng ít hơn lên môi trường. Vì bao ni-lông quá phổ biến và hiện diện ở khắp mọi nơi trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, sẽ rất dễ dàng cho chúng ta bỏ qua sự hủy hoại môi trường mà chúng gây ra.
Hôm nay mình thử cùng nhau nhìn vào sự ảnh hưởng đến môi trường và những thứ có thể thay thế, để xem chúng ta có những chọn lựa nào trong tiêu dùng hằng ngày và cái nào tốt hơn.
Loại nhựa đầu tiên hay nhựa đúc được phát minh đầu tiên vào năm 1907, nhưng mãi đến những năm 1960, nhựa, cụ thể là nhựa tổng hợp mới trở nên rẻ và hiệu quả để sản xuất. Túi nhựa, bao ni-lông đã bùng nổ và phổ biến ngay sau những năm 1960 và chúng được tung ra thị trường và sản xuất như những sản phẩm dùng một lần vì chi phí sản xuất rẻ. Làm cho chúng trở thành chọn lựa mặc định tại mọi quầy hàng, quán, siêu thị.
Nhưng vấn đề là chi phí rẻ này chưa bao gồm các chi phí về tác hại đến môi trường. Theo các nghiên cứu bởi tổ chức bảo vệ môi trường trên thế giới, việc khai thác tài nguyên và chế biến nguyên liệu thô để sản xuất bao ni-lông chiếm 60% rác phế liệu. Nói cách khác, trước khi chúng ta dùng đến bao ni-lông thì việc sản xuất chúng đã chiếm 60% rác phế liệu trên môi trường.
Tiếp theo, sau khi sử dụng bao ni lông thì phân nửa số lượng bao ni-lông được sản xuất lại tiếp tục tạo ra rác môi trường. Hằng năm ước tính có khoảng trăm tỷ bao ni-lông bị vứt bỏ ở Mỹ. Ở Việt Nam thì không thể đếm xuễ. Song, chỉ một phần rất nhỏ trong số rác (bao ni-lông) đó được tái chế; phần lớn kia bị xả xuống mương rạch, sông ngòi; đường thủy lộ được sử dụng như nơi tiêu thụ rác. Bao ni-lông theo gió và theo các dòng thủy lưu, trôi ra biển, vào lòng đại dương, qua năm đại lục bởi các vòng xoáy tròn.
Các bao ni-lông này có thể cần đến hơn 500 năm mới bị phân hủy.
Chúng không duy trì hình dáng ban đầu mà sẽ vỡ ra dưới ảnh hưởng của mặt trời, nước, sự xói mòn do vi sinh vật. Các phần nhỏ hơn gọi là vi-nhựa có thể gây tử vong cho sinh vật biển.
Với những dữ liệu đơn sơ này và chúng ta cứ quan sát các sinh hoạt, thói quen và lượng rác thải ra hằng ngày thì chúng ta sẽ thấy mỗi giây phút Mẹ Đất của chúng ta đã và đang phải nuốt bao nhiêu là rác do chúng ta tạo ra? Và phải đi qua bao nhiêu kiếp người mới tiêu hủy được những thứ tạo ra 500 năm trước?
Khi xem qua các tác dụng và bất lợi của túi nhựa, bao ni-lông thì chúng ta sẽ đặt câu hỏi vậy nên mua một túi vải hay một túi giấy? Câu trả lời không đơn giản. Cũng trong những nghiên cứu bởi các tổ chức môi trường, kết quả cho thấy chi phí môi trường thực tế của một túi nhựa, giấy, hay vải đều bắt nguồn rất nhiều từ phía sản xuất ra sản phẩm. Nhựa thực sự có tác hại môi trường ít nhất trong ba vật liệu trên. Vì vậy để tuổi thọ của túi nhựa dài hơn và có tác hại môi trường ít hơn thì chúng cần được sử dụng nhiều lần. Đối với giấy, nghiên cứu chỉ ra rằng cần sử dụng ba lần túi giấy để ngang bằng với việc sử dụng túi nhựa một lần. Với túi vải thì số lần có thể sử dụng tăng vọt tới 131 lần.
Tóm lại, chúng ta nên giảm thiểu việc sử dụng túi nhựa, bao ni-lông là điều trọng tâm để bảo vệ môi trường, ngăn chặn các tác hại tiêu cực của nhựa, đóng góp vào việc chống biến đổi khí hậu (climate change). Đó là một sự thay đổi nhỏ cần đi kèm với những hành động khác như phải biết tiết kiệm nước, điện, thực phẩm, thức ăn, v.v…
Khi nhìn thấy một bao ni-lông lẫn trong rác hay thấy nó bềnh bồng trong nước, ngoài biển, có bao giờ chúng ta tự hỏi xuất xứ bao ni-lông này từ đâu đến hay là nó đã ra đời năm nào và biết đâu nó già hơn chính chúng ta vài đời mà vẫn chưa được “giải thoát”?
Sắp có khóa thiền trong tháng 9 được Thầy Tâm Thành tổ chức. Khi soạn hành lý mang theo, mình nên tập giảm dùng túi nhựa, bao ni-lông mà hãy dùng túi vải, các bạn nhé. Chúng ta cũng sẽ hạn chế được việc gây tiếng ồn trong đêm, giữ được sự yên ắng trong không gian chung, đúng với tinh thần của khóa tu học… Và vui nữa là chúng ta sẽ được ngủ ngon hơn, không bị đánh thức giữa đêm. 😊
Lúc nhỏ khi sinh hoạt hướng đạo, mình có được tập những thói quen khi sinh hoạt chung trong tập thể: chúng ta cũng nên tập sắp xếp và chuẩn bị những gì cần cho sáng mai, lấy ra sẵn trước khi đi ngủ, để mình không phải lục lọi đồ đạc và gây tiếng ồn khi tập thể vẫn còn ngủ nghỉ.
Biết ơn Thầy đã yêu thương chúng con, chỉ dạy bao kiến thức qúy giá và tổ chức những khóa tu học đặc biệt, hiếm hoi, giá trị để chúng con được dịp nhìn lại mình, trở vào bên trong, tu luyện để mỗi ngày thêm tốt, thêm dễ thương, và hữu ích cho chính mình, những người xung quanh,và cho môi trường và Vũ Trụ.
Con xin được thay mặt tất cả các thiền sinh, cảm ơn Thầy, cảm ơn ban tổ chức!
Quảng An (Washington DC / USA)
10 Tháng 9, 2024