Vậy là mình đã duy trì làm Thực Dược được gần một năm từ sau khi tham dự khóa Thiền Minh Sát Tuệ (TMST) / Trọn Vẹn Với Cuộc Sống (TVVCS) đầu tiên của Thầy Tâm Thành, cuối năm 2023.
Trở về sau khóa Trọn Vẹn Với Cuộc Sống (TVVCS) 12 ngày 16/9-27/9/2024 với Thầy vừa rồi
mình đã không bớt… vừa ăn vừa… “chơi” (với thức ăn) mà còn hăng say hơn trước nữa chứ.
Bên Mỹ hiện đang chuyển từ hè sang thu. Rau củ quả cũng theo mùa mà thay đổi. Mình chỉ dùng những gì mua được ở chợ địa phương hằng ngày. Vậy nếu bạn không đang ở Việt Nam hay xứ nhiệt đới và nguồn rau củ quả nơi đó không phong phú quanh năm thì bạn làm sao để có đủ sáu vị cho dĩa thực dược của mình?
Chúng ta hãy cùng ôn bài xem 6 “vị” yêu thương đó là những vị nào và những rau củ quả nào ở cả xứ nhiệt đới hay xứ lạnh có những vị đó nhe.
Mặn, ngọt, chua, cay thì tương đối căn bản và dễ tìm. Chát và đắng thì khó hơn.
Nho là trái cây thường có quanh năm. Chúng ta có thói quen không ăn hạt nho. Chúng vừa có vị chát và đắng. Hạt của trái lựu cũng có vị chát và nhiều người không thích ăn lựu vì không thích nhai hạt, cũng không thích lừa hạt bỏ, dù lựu có vô số chất bỗ dưỡng. Lá Đinh Lăng hay Bồ Công Anh có thể cho vị đắng thay khổ qua và chát thay cho lựu. Bên cạnh lá Đinh lăng còn có rất nhiều rau xanh có vị chát nhẹ như Spinach, Kale (cải xoắn), v.v.v. Nói chung các bạn có thể nhai sống để nếm tất cả các vị này khi gặp các loại trái cây, rau củ hay hạt nhé.
Trong khóa học Thầy đã giải thích cho chúng ta từng vị đi vào tạng nào và có công dụng gì. Mình cũng tra lại sách Thanh Lọc Thân Tâm – Chuyển Hóa Môi Trường của Thầy ở trang 222-225 để nhớ lại bài Thầy giảng và xem thêm nhiều nội dung quý giá khác mà Thầy đã giải thíchrất cặn kẽ.
Ba nhóm thực phẩm căn bản có nhiều calorie gồm tinh bột, đạm, chất béo:
Tinh bột: ngũ cốc và mầm (còn nguyên cám), bánh mình, mì, khoai tây, khoai lang, bí ngô…
Đạm: các loại đậu khô, đậu lăng, đậu hà lan, mầm của họ đậu, đậu hũ, tương nén (tempeh), miso, quả hạch, hạt, sữa chua, trứng, cá…
Chất béo – dầu: quả bơ, quả olive, bơ kem, kem chua, dầu (dầu olive, dầu mè, dầu lanh…)
Mình thường trộn thêm đậu lăng và củ dền vào gạo khi nấu cơm để thêm độ đạm cho bữa ăn.
Đây là bản tóm lược, cùng một số rau củ quả thông dụng, dễ tìm:
Vị | Đi vào Tạng nào | Trong thực phẩm rau của quả nào |
---|---|---|
Ngọt | Tỳ và vị (Tụy tạng, lá lách, & dạ dày | Vả, chuối, chà là, hồng, trái cây khô, đu đủ, ngũ cốc, mật ong, các loại trái cây ngọt...khoai lang, bắp, … |
Đắng | Hệ tuần hoàn, thần kinh, & ruột non | Rau đắng, khổ qua, su hào, cải xoắn, cải xanh, lá đinh lăng, thì là, bí xanh, nghệ, cacao, cà phê, các loại trà, |
Mặn | Thận và bàng quang | Trái Olive ngâm sẳn, rong biển, các loại thức ăn muối sẳn hay khô, đồ hộp…. |
Chát | Tam tiêu, miễn dịch, màng ngoài tim | Chuối xanh, bông chuối, ổi, sung/vả, mít non sống, atiso, mận bắc, các loại đậu (nảy mầm, ăn sống) |
Chua | Túi mật & gan | Chanh xanh, chanh vàng, bưởi, cam, cà chua, dâu, dứa, kiwi, me, cóc xanh, khế, giấm táo... |
Cay nồng | Phổi & ruột già | Củ cải trắng, củ cải ngựa, ớt, tiêu, rau răm, gừng, hành, tỏi, … |
Quảng An (Washington DC / USA)